CHIẾN THUẬT, KỸ NĂNG, TƯ DUY LÀM BÀI THI

Nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là việc đầu tiên và quan trọng không thể bỏ qua. Với mục tiêu 2 trong 1 là kết quả thi Đánh giá năng lực sẽ dùng để xét tuyển vào các trường Đại học. Nên trong đề thi chắc chắn bao gồm khoảng 60% kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Đặc biệt, với thi trắc nghiệm, lượng kiến thức rộng, học sinh khó có thể học tủ, học vẹt, học thuộc lòng.

Các bước quan trọng cần làm ngay khi bước vào ôn tập và luyện thi Đánh giá năng lực, gồm:

Bước 1: Xác định thời gian ôn tập và mục tiêu điểm số

Với thời gian ôn tập 2-3 tháng, các bạn cần tính xem mình có bao nhiêu ngày để học một môn? Nên dành nhiều thời gian để tập trung vào môn mà mình còn đang yếu. Tất cả đều phải có mốc thời gian rõ ràng và cần cố gắng hoàn thành trước kế hoạch đặt ra.

Lưu ý rằng để ôn luyện thi hiệu quả, bên cạnh việc ôn luyện kiến thức, các bạn hãy tích cực luyện đề. Kế hoạch ôn luyện thi hiệu quả cũng càn linh hoạt, có thể thay đổi trong quá trình ôn luyện sao cho phù hợp.

Bước 2: Lên kế hoạch tổng ôn tăng điểm, khoanh vùng kiến thức cần học theo mục tiêu điểm số.

Với khối lượng kiến thức “đồ sộ” trong chương trình THPT, cách ôn thi hiệu quả nhất là các bạn cần tổng hợp lại kiến thức trọng tâm, đánh dấu các dạng bài hay gặp và luyện sao cho nhuần nhuyễn. Đối với mỗi môn các bạn cần đưa ra phương pháp học cụ thể sao cho quá trình ôn luyện thi đạt hiệu quả.

Với các bạn học lực trung bình, cần tận dụng cơ hội tối đa để lấy điểm ở những câu hỏi dễ. Cần nắm chắc các dạng bài nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Với các bạn học lực khá, cần nắm vững kiến thức để không làm mất điểm ở những bài tập dễ, trung bình. Ngoài ra, cần tìm hiểu thêm các dạng câu hỏi khó, vận dụng cao và các phương pháp giải nhanh để tối ưu thời gian làm bài.

Bước 3: Ôn tập kết hợp với luyện đề

Tổng ôn giúp nắm vững kiến thức đã học còn luyện đề sẽ giúp rèn luyện kỹ năng, làm quen dần với các dạng câu hỏi. Qua kết quả sau mỗi lần làm đề, các bạn có thể đánh giá được năng lực của mình đang ở mức nào? Phần kiến thức nào còn yếu? Thời gian làm bài đã tối ưu hay chưa? Từ đó lên kế hoạch bổ sung kiến thức, tối ưu thời gian làm bài.